LỊCH SỬ CÀ PHÊ
Cây cà phê đến Việt Nam theo dấu chân của những người Pháp vào giữa thế kỷ 19.
Giống cà phê chè (arabica) là giống cà phê đầu tiên được du nhập vào nước ta từ năm 1857, thông qua một số linh mục thừa sai người Pháp. Đầu tiên là được trồng thử nghiệm tại các Nhà thờ Thiên chúa giáo ở một số tỉnh ở khu vực phía Bắc như Hà Nam, Phủ Lý. Sau đó, cây cà phê được trồng mở rộng vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau đó lan ra các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình. Sau chiến tranh các khu vườn cà phê chè ở đây vẫn tiếp tục được duy trì. Vì thế, khu vực này có sự phân bố cây cà phê chè rất cao. Sau cùng cây cà phê mới phát triển dần vào Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và người ta bắt đầu nhận ra rằng Tây Nguyên chính là nơi thích hợp nhất để trồng cây cà phê.
Sau khi giống cà phê arabica được du nhập vào Việt Nam năm 1857 thì sau đó vào năm 1908, Pháp du nhập thêm 2 giống cà phê vào Việt Nam. Đó chính là cà phê vối (robusta) và cà phê mít (liberica). Sau một thời gian, thực dân phương Tây thấy giống cà phê chè không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì vậy đã đưa giống cà phê vối từ Congo vào trồng ở Tây Nguyên. Tại đây, cây cà phê phát triển rất mạnh mẽ, diện tích cây cà phê ngày càng tăng. Và Tây Nguyên trở thành khu vực có diện tích trồng cà phê vối lớn nhất nước ta cả về quy mô và danh tiếng, không nơi nào ở Việt Nam có cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước, đồng thời gắn với một vùng địa danh mang nhiều huyền thoại như cà phê Buôn Ma Thuột.
Trải dài qua một quá trình lịch sử trên đất nước Việt Nam, cuối cùng vùng đất Tây Nguyên chính là nơi hội tụ được tất cả những thuận lợi cả về sinh thái và đất đai thích hợp để cây cà phê sinh trưởng và phát triển, sản phẩm cà phê vối robusta đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của Tây Nguyên nói chung, vùng địa danh Buôn Ma Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.